Những điều kiêng kỵ tuyệt đối đừng phạm phải trong bữa ăn
Có những quy tắc ứng xử trên bàn ăn mà chúng ta cần phải nhớ để không bị đánh giá khi giao tiếp, bị cho rằng bất lịch sự, thiếu tôn trọng người đối diện.
Ông bà ta có câu “ăn coi nồi, ngồi coi hướng” để ám chỉ những quy tắc ứng xử của người Việt trên bàn ăn. Khi mà cuộc sống người Việt trở nên hiện đại, tiện nghi hơn thì những quy tắc bất thành văn trên mâm cơm trở nên bị lãng quên và rất nhiều bạn trẻ ngày nay đã vô tình mắc phải, gây nên hình ảnh xấu trong quá trình giao tiếp không chỉ với người nhà mà còn với bạn bè, xã hội xung quanh.
Vì lí do như vậy mà các bạn đừng bao giờ bỏ qua những lưu ý dưới đây khi ăn cơm để tạo thiện cảm với người cùng ăn đấy nhé.
1. Rung đùi
Rung chân hay rung đùi là thói quen bất lịch sự bởi hành động này có thể làm rung bàn ăn gây khó chịu những người xung quanh.
Do vậy không chỉ trong bữa ăn mà những lúc khác bạn cũng hãy cố gắng bỏ thói quen rung chân bởi nó rất phản cảm và gây khó chịu với hầu hết những người đối diện.
2. Tạo tiếng ồn khi ăn
Không chỉ ở Việt Nam đâu mà có cả những người nước ngoài cũng rất khó chịu khi nghe thấy tiếng sì sụp, tiếng nhóp nhép quá lớn khi nhai đồ ăn trong miệng.
Khi ăn bạn lưu ý hạn chế gây ra tiếng động, nhai một cách tao nhã, không mở miệng khi nhai. Như vậy sẽ tạo cho bạn hình ảnh thanh lịch và sang trọng hơn.
3. Cắm đũa vào bát cơm
Một số bạn nhất là trẻ nhỏ trong quá trình ăn thường cắm đũa lên bát cơm để chóng tay lên đũa. Theo người xưa, cắm đũa trên bát cơm chỉ xuất hiện trong mâm cơm cúng thần linh. Vì vậy khi bạn thực hiện hành động này được xem như là điềm xấu, mang đến xui xẻo cho người khác.
4. Bới đồ ăn
Hành động bới thức ăn lên để tìm cho mình những miếng ngon nhất được xem là hành động bất lịch sự và không tôn trọng người xung quanh. Bạn không nên lựa thức ăn mà cố gắng quan sát, dùng đũa gắp thức ăn mà mình muốn.
5. Xỉa răng
Xỉa răng không che miệng không chỉ là hành động thiếu thẩm mỹ mà nó cũng thể hiện văn hóa thiếu lịch sự. Vì thế, khi cần xỉa răng, bạn nên tìm nơi kín đáo và che miệng khi xỉa.
6. Gõ bát đũa khi ăn
Trẻ con thì rất thích những tiếng động lạ, vui tai nên thường dùng đũa gõ lên những chiếc bát. Hành động này gây tiếng động lớn làm cản trở những câu chuyện vui trong bữa ăn.
Bên cạnh đó theo quan niệm người xưa, gõ đũa vào bát hay dùng hai chiếc đũa gõ với nhau là hành động của những người ăn xin nên khi làm việc này người xưa cho rằng sẽ mang đến xui xẻo, nghèo khổ suốt đời.
Nhưng với nền văn hóa phương Tây thì có một hành động mà người ta thường thực hiện đó là dùng muỗng gõ vào ly nhằm ý muốn thông báo với những người cùng bàn ăn một việc gì đó.
7. Xới cơm một lần
Nhiều gia đình vẫn nhớ lời các cụ dạy rằng, khi xới cơm không được xới một lần mà phải xới 2 lần, có câu: “Một lần cơm cúng, hai lần cơm ăn”.
Người ta cho rằng, bát cơm được xới một lần là dành cho người đã chết nên rất kiêng kỵ điều này. Ngoài ra, bạn cũng không nên xới bát đầy có ngọn và lèn, gợi nhớ đến bát cơm cúng.
8. Dùng điện thoại khi ăn
Thói quen dùng điện thoại khi ăn xuất hiện rất nhiều. Chúng ta sẽ rất dễ thấy trên một bàn ăn trong nhà hàng hay đám bạn đang ngồi uống nước luôn có những bạn chỉ chăm chăm vào chiếc điện thoại của mình.
Hành động này rất bất lịch sự bởi người ta mời bạn đi ăn, đi uống và trò chuyện với nhau chứ có phải để bạn bấm điện thoại đâu. Ngoài ra đặt điện thoại trên bàn cũng không nên vì câu chuyện có thể bị cắt ngang chỉ vì màn hình điện thoại sáng lên.
9. Đặt tay dưới bàn
Bạn không nên đặt tay dưới bàn khi ăn vì như vậy sẽ tạo cảm giác không an toàn cho đối phương. Người đối diện của bạn cần biết chắc bạn đang toàn tâm ăn uống cùng họ và không làm việc gì khác.
Do vậy mà bạn đừng đặt tay dưới bàn mà nếu bạn chỉ muốn ăn một tay thì hãy để một tay lên bàn và sử dụng tay còn lại để ăn.
10. Ăn cơm trước chủ nhà
Theo các tập tục truyền thống, trong bữa ăn, khách thường đợi chủ nhà bưng bát lên đầu tiên rồi mới bắt đầu dùng bữa. Nhiều nơi, mọi người còn phải mời nhau trước khi nâng đũa.
Thực tế cho thấy, một số chủ nhà bắt đầu bữa tiệc bằng cách tiếp và mời khách trước như một niềm vinh hạnh và kêu gọi mọi người dùng bữa tự nhiên. Tuy nhiên, theo phép tắc, chúng ta vẫn nên tôn trọng chủ nhà và để họ khai vị. Ngoài ra, trẻ em cần đợi đến khi người lớn bắt đầu ăn trước thì mới nên ăn cơm.
11. Bỏ lại miếng cuối cùng
Tại Nhật người ta thường dùng hết phần ăn để tỏ lòng tôn trọng người đã làm ra món ăn đó.
Còn ở một số nước châu Âu như Đan Mạch, những miếng thức ăn cuối sẽ chia đều cho mọi người hoặc dành cho người lớn tuổi trong bữa ăn được xem như là sự kính trên nhường dưới.
Còn ở Việt Nam hiện nay thì thường chừa và bỏ luôn miếng cuối không biết là bắt nguồn với lý do gì nhưng chắc chắn rằng rất nhiều người không thích thói quen này. Để lịch sự hơn bạn nên nhường miếng thức ăn đó cho phụ nữ, trẻ em hoặc người lớn tuổi nhất trong bàn tiệc.
Dù rằng nếp sống hiện đại dần đã tháo gỡ những lễ nghi phiền hà khắc khe thế nhưng không phải vì vậy mà ta lờ đi hết những quy tắc ứng xử trên bàn ăn khiến ta trở nên kém sang trọng hơn trong mắt người khác.